Phiên tòa xử tội phản quốc Đảo chính quán bia

Hitler đã thừa khôn ngoan để biến phiên tòa thành một diễn đàn để ông ta lên án những người đã bắt giữ mình và – điều này là quan trọng hơn – lần đầu tiên tên tuổi ông ta lan khỏi bang Bayern, và lan ra ngoài nước Đức. Ông ta biết rõ rằng những nhà báo khắp thế giới cũng như của các tờ báo Đức đang đổ xô đến München để tường thuật phiên tòa bắt đầu ngày 26 tháng 2 năm 1924. Khi phiên tòa kết thúc 24 ngày sau, Hitler đã biến thất bại thành chiến thắng, khiến cho dưới mắt quần chúng Kahr, Lossow và Seisser phải chịu một phần trách nhiệm về những nỗi khổ sở của họ. Hitler cũng đã tạo ấn tượng mạnh trong lòng người dân Đức bằng tài hùng biện và tinh thần quốc gia sôi sục, và đưa tên tuổi ông ta lên trang nhất nhiều tờ báo trên thế giới.

Dù Ludendorff dễ trở nên nổi tiếng nhất trong số 10 bị can đứng trước vành móng ngựa, Hitler ngay lập tức thu hút sự chú ý đặc biệt. Từ đầu đến cuối, ông ta nắm phần áp đảo trong phiên tòa. Frank Guertner, Bộ trưởng Tư pháp bang Bayern và cũng là người bạn lâu năm của Hitler, đã dàn xếp để đảm bảo phiên xử tạo thuận lợi và khoan dung. Hitler được cho phép ngắt lời người khác bất cứ khi nào ông ta muốn, được tự do chất vấn nhân chứng, có cơ hội nói về mình bất kỳ lúc nào và bao lâu cũng được – bài phát biểu mở đầu của ông ta kéo dài 4 giờ đồng hồ, và đấy mới chỉ là khai mào cho những màn diễn thuyết tiếp theo.

Hitler không muốn lặp lại lỗi lầm của những người gây bạo loạn trước đó nói rằng họ không biết gì, không chủ định gì, không muốn gì. Thay vào đó, Hitler nghĩ rằng mình phải tỏ ra can đảm đứng trước thẩm phán mà nói: "Đúng vậy, đấy là điều chúng tôi muốn làm; chúng tôi muốn lật đổ Nhà nước."

Bây giờ, đứng trước hội đồng xét xử và phóng viên báo đài cả thế giới, Hitler hãnh diện tuyên bố: "Chỉ một mình tôi chịu trách nhiệm. Nhưng tôi không phải là kẻ tội đồ. Tôi đứng ở đây với tư cách là một nhà cách mạng... Chống lại những kẻ phản quốc năm 1918 thì không phải là tội phản quốc."

Nếu đấy là tội phản quốc, thì tam đầu chế lãnh đạo chính quyền, quân đội và cảnh sát của bang và những người đồng âm mưu với ông ta cũng phải có tội và đáng lẽ phải ra trước vành móng ngựa bên cạnh ông ta. Hitler đã khôn ngoan lôi tam đầu chế cùng vào cuộc:

Có điều chắc chắn là Lossow, Kahr và Seisser đều có cùng mục tiêu như chúng tôi – lật đổ chính phủ Đức... Nếu đảng chúng tôi thực sự phản quốc, thì xuyên suốt vụ việc Lossow, Kahr và Seisser đều có hành vi phản quốc cùng với đảng chúng tôi, vì trong những tuần lễ gần đây tất cả chúng tôi chỉ bàn bạc về những mục tiêu khiến cho chúng tôi bây giờ bị kết án.

Cả ba người khó có thể phủ nhận điều này, vì đấy là sự thật. Kahr và Seisser không thể đối chọi lại miệng lưỡi của Hitler. Chỉ có Tướng von Lossow tự biện hộ một cách thách thức: "Tôi không phải là kẻ vô nghề nghiệp gây náo loạn. Tôi có vị trí cao trong chính quyền Bang." Rồi vị tướng trút mọi câu mắng nhiếc của một nhà lãnh đạo quân sự lên cái anh cựu hạ sĩ, kẻ mới phất lên mang đầy tham vọng khiến cho anh ta muốn sai khiến cả quân đội và chính quyền Bang. Ông giải thích: Làm thế nào mà cái trò mị dân bừa bãi như thế lại đến từ những ngày gần đây chỉ lo đánh trống thổi kèn!

Chỉ đánh trống thổi kèn? Hitler biết cách đối đáp:

"Những kẻ tiểu nhân luôn có tư tưởng nhỏ nhoi! Xin hãy tin tôi, tôi thấy không đáng phải tranh luận với lời kết án của một bộ trưởng như thế. Tôi thấy một con người vĩ đại muốn đi vào lịch sử chỉ với tư cách là bộ trưởng thì không xứng đáng. Ông ta rồi có thể bị chôn bên cạnh những bộ trưởng khác. Tôi muốn trở thành người hủy diệt chủ nghĩa Mác-xít. Tôi sẽ hoàn tất nhiệm vụ này, và nếu thế, cái chức bộ trưởng đối với tôi là vô nghĩa."

Hitler đã bị kết án là muốn từ kẻ đánh trống thổi kèn nhảy lên địa vị nhà độc tài. Ông không phủ nhận điều này. Định mệnh đã an bài như thế.

Người được sinh ra làm nhà độc tài không để cho ai thúc đẩy, mà tự làm chủ con người mình. Ông ta không đợi cho ai đốc thúc, mà tự phấn đấu tiến lên. Như thế không có gì là xấu hổ. Một công nhân muốn nỗ lực trở thành lao động chuyên sâu thì có phải là đáng xấu hổ hay không?...Người nào cảm thấy mình có nghĩa vụ đối với nhân dân thì không nên nói: "Nếu cần đến tôi, tôi sẽ hợp tác. " Không được! Ông ta phải tiến lên mà nắm lấy nhiệm vụ.

Dù có thể phải nhận bản án tù lâu năm vì tội phản quốc, trong tiếng gọi của "nghĩa vụ đối với nhân dân" Hitler vô cùng tự tin. Trong khi đang bị giam chờ ngày ra tòa, ông ta đã phân tích những lý do cho sự thất bại, và dặn lòng sẽ không bao giờ lặp lại những lỗi lầm ấy. Mười ba năm sau khi đã đạt mục tiêu của mình, trong lễ kỷ niệm ngày bạo loạn ở quán bia, Hitler nói với cử tọa:

"Tôi có thể bình tâm mà nói rằng đấy là quyết định khinh suất nhất trong đời tôi... Nếu bây giờ nhìn thấy đảng viên của chúng ta trong tình trạng như vào năm 1923, các bạn có thể hỏi: "Họ từ trại tế bần nào thế?" Nhưng định mệnh an bài tốt cho chúng ta. Nếu chúng ta thành công bước đầu thì cuối cùng cũng chỉ sụp đổ vì tình trạng ấu trĩ ngày đó, cũng vì nền tảng tổ chức và tri thức còn non kém... Chúng ta đã nhận ra rằng lật đổ Nhà nước cũ thì không đủ, nhưng trước đấy phải xây dựng xong Nhà nước mới và sẵn sàng gánh lấy trách nhiệm..."

Trong khi đang đối chất với các quan tòa và công tố viên, đầu óc Hitler đã định hình phương cách thành lập Nhà nước Quốc xã. Lần sau, ông ta sẽ lôi kéo Quân đội Đức hậu thuẫn thay vì chống đối ông ta. Trong bài phát biểu đúc kết, Hitler nêu ý tưởng dàn hòa với quân đội. Không có lời nào trách móc.

"Tôi tin rằng sẽ đến ngày mà quần chúng, những người hôm nay đứng dưới ngọn cờ đảng của chúng tôi, sẽ đoàn kết với những người đã bắn vào họ... Khi được biết cảnh sát đã nổ súng, tôi lấy làm vui mà thấy không phải Quân đội bị ô danh; Quân đội vẫn giữ thanh danh trong sạch như từ trước đến giờ. Một ngày nào đó, sẽ đến lúc Quân đội đứng bên cạnh chúng tôi, tất cả sĩ quan cũng như binh sĩ."

Đấy là lời tiên đoán chính xác, nhưng vị thẩm phán chủ tọa đã ngắt ngang: "Ông Hitler, ông bảo rằng cảnh sát đã bị ô danh. Tòa không chấp nhận câu nói ấy."

Bị cáo không hề chú ý đến lời khiển trách. Trong ngôn từ khiến cho cử tọa của phiên tòa bị thu hút một các mê mẩn, Hitler phát biểu lời kết luận:

"Lực lượng mà chúng tôi thành lập đang lớn mạnh từng ngày... Tôi vẫn ấp ủ niềm hy vọng hãnh diện là một ngày nào đấy, sẽ đến lúc những đại đội non yếu này trở thành những tiểu đoàn, tiểu đoàn thành trung đoàn, trung đoàn thành sư đoàn, rồi những phù hiệu sẽ được lấy lên từ đám bùn, rồi những lá cờ cũ sẽ tung bay, rồi sẽ có hòa giải theo sự phán xét thiêng liêng vĩ đại cuối cùng mà chúng tôi sẵn sàng đối mặt."

Hitler hướng đôi mắt nóng bỏng đến hội đồng xét xử:

"Không phải là quý tòa phán xử chúng tôi. Sự phán xử ấy sẽ do phiên hòa của lịch sử vĩnh cửu tuyên bố. Quý tòa sẽ phán xử như thế nào thì tôi đã biết. Nhưng phiên tòa ấy sẽ không hỏi chúng tôi: "Các ông nhận tội phản quốc hay không?" Phiên tòa ấy sẽ phán xử chúng tôi, vị Chủ nhiệm Hậu cần trong Quân đội cũ [[Ludendorff]], sĩ quan và binh sĩ của ông, như là những người Đức vốn chỉ muốn điều tốt cho nhân dân và Tổ quốc của họ, những người sẵn sàng chiến đấu và hy sinh. Quý tòa có thể tuyên bố hàng nghìn lần rằng chúng tôi có tội, nhưng vị nữ thần của phiên tòa lịch sử vĩnh cửu sẽ mỉm cười và rơi lệ để xóa đi cáo trạng của công tố và bản án của tòa này. Bởi vì nữ thần sẽ tha bổng cho chúng tôi."

Những bản án của các quan tòa trần tục không khác xa sự phán xét của lịch sử là bao. Ludendorff được tha bổng. Hitler và những người khác bị xử có tội. Nhưng đối mặt với luật pháp (Điều 81 Bộ Hình luật của Đức ghi "người có hành vi sử dụng vũ lực để thay đổi Hiến pháp của Đế quốc Đức hoặc bất kỳ bang nào của Đức sẽ bị phạt tù chung thân), Hitler chỉ bị án 5 năm tù. Ngay cả các thẩm phán trần tục cũng phản đối bản án nặng nề, nhưng họ được vị thẩm phán chủ tọa trấn an rằng tội nhân sẽ có cơ hội được ân xá sau khi đã thực hiện bản án tù được 6 tháng. Cảnh sát cố tìm cách trục xuất Hitler vì là người nước ngoài – ông ta vẫn còn mang quốc tịch Áo – nhưng không thành công. Bản án được thi hành ngày 1 tháng 4 năm 1924. Không đầy 9 tháng sau, vào ngày 20 tháng 12, Hitler được trả tự do, hoàn toàn có quyền tiếp tục cuộc tranh đấu để lật đổ nhà nước dân chủ. Nếu là người theo phe cực hữu thì bản án cho tội phản quốc không đến nỗi nặng dù luật quy định thế nào chăng nữa.